Chuyện đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nhận thưởng khoảng 3 tỉ đồng là một tin vui với các cô gái. Thế nhưng, một lần nữa việc chia thưởng như thế nào là hợp lý đã lại khiến mọi người bớt vui.
Nội dung chính
Khác với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, thường các trưởng đoàn ở những môn thể thao của họ là những nhà bảo trợ giàu có. Việc họ có mặt cùng đội tuyển môn mình bảo trợ với tinh thần ủng hộ, khen thưởng động viên là chính. Trong khi đó, các trưởng đoàn thể thao ở những môn của ta là “người nhà nước”, thậm chí có những trưởng đoàn tới tận ngày xuất quân tham dự các đại hội mới được phân công nhiệm vụ.
Ông Phan Anh Tú (đứng giữa) nhận thưởng 98 triệu đồng cho vị trí trưởng đoàn bóng đá nữ dự SEA Games
Tuy nhiên, vì là “nhiệm vụ chính trị” nên nếu như ở các đoàn nước ngoài, thậm chí trưởng đoàn còn lên tiếng chỉ trích nếu bộ môn mà họ đi theo không thành công thì ở ta, trưởng đoàn sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn khi “có chuyện”.
Ví dụ, nếu là đội bóng đá thua, ngoài huấn luyện viên trưởng, các vị trưởng đoàn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm, chịu sự chỉ trích thậm chí là còn bị mất chức hoặc buộc phải từ chức vì không hoàn thành trách nhiệm. Còn nhớ, khi vụ tiêu cực của đội bóng đá nam ở SEA Games tại Philippines diễn ra, ông Lê Thế Thọ đã phải liên tục làm tường trình và bị chỉ trích nặng nề vì thiếu trách nhiệm.
Thế nên, khi ông Phan Anh Tú, trưởng đoàn bóng đá nữ tuyên bố: “Lãnh đội là người chịu trách nhiệm về thành tích của đội trước Nhà nước. Đội mà thi đấu không tốt thì lãnh đạo đội cũng bị cách chức. Ngoài ra, khi đi thi đấu, lãnh đội còn chịu trách nhiệm đối nội, đối ngoại, lo từ chỗ ăn chỗ ở, sân bãi... Công việc của lãnh đội không hề nhẹ nhàng. Tôi nhận thưởng chả có gì phải áy náy”, không phải là không có lý do của ông ấy, ông Tú nghĩ vậy là công bằng.
Thật ra chuyện chia thưởng sau những thành công lần nào cũng có “lùm xùm”, chỉ có điều nó được đưa ra ngoài nhanh hay chậm và có dụng ý gì hay không mà thôi. Cũng ở đội bóng đá nữ thời bà Hoàng An còn làm huấn luyện viên thể lực. Ngay sau khi đoạt huy chương vàng, chuyện chia thưởng đã phải mất ba tuần để họp bàn bởi có thêm các tặng phẩm từ nhà tài trợ nhãn hàng “chuyên dùng cho phụ nữ”.
Sau khi không thể đi đến được sự thống nhất vì các thành viên lãnh đạo theo đoàn lúc ấy không chịu kém miếng, cả đội đã nhất trí cùng “sáng kiến” của bà Hoàng An là chia luôn các thùng sản phẩm “có cánh” để cho các lãnh đạo theo cùng đội bóng cầm về để họ “khỏi thiệt” mà khó chịu.
Mà nào chỉ có ở môn bóng đá, ở tất cả các môn thể thao khác, sau khi thành công các lãnh đạo bộ môn luôn có phần, thậm chí họ còn cắt lại một khoản gọi là “cám ơn các chú các bác” từ nguồn thưởng của vận động viên. Xe đạp, cử tạ, võ thuật… tất cả đều nằm trong guồng quay này.
Tuyển nữ Việt Nam: Có 3 tỷ mà chẳng vui
Đã không ít lần người ta đặt ra câu hỏi, vì sao các môn thể thao của Việt Nam, đặc biệt là bóng đá không trọng dụng các mạnh thường quân làm trưởng đoàn. Và lần nào cũng nhận được câu trả lời, đó là quy chế. Quay trở lại trường hợp ông Phan Anh Tú, trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam – vừa bị phản ứng vì nhận thưởng sau thành công của toàn đội.
Theo thông tin, ban đầu ông nhận mình loại A như bao kỳ trước, bao trưởng đoàn khác. Thế nhưng, nội bộ đội bóng phản ứng mạnh bởi họ cho rằng, ông Tú đã không đi cùng quá trình tập luyện của đội mà chỉ góp mặt bắt đầu từ SEA Games nên chia vậy là không công bằng. Họ chỉ đồng ý xếp ông Phan Anh Tú vào loại B khi chia thưởng, tương đương với 98 triệu đồng so với loại A là 125 triệu đồng.
Một lần nữa chuyện chia thưởng đã lại làm xấu đi hình ảnh của các quan chức lẫn nền thể thao Việt Nam.
Nếu quy chế nhà nước bắt buộc các trưởng đoàn phải là quan chức nhà nước, vậy vì sao không có quy định rõ ràng về trách nhiệm lẫn việc chia thưởng sẽ theo chuẩn mực nào mà cứ phải đợi đến khi “nhân dịp có thưởng” mới bắt đầu cãi nhau vì tiền. Hay bởi, nếu quy định như thế thì “trách nhiệm” rõ ràng quá ?!
Thảo Du (SGTT)